Nghệ thuật góp ý

Lời góp ý nếu không đúng cách sẽ gây phản ứng ngược cho người được góp ý. Ranh giới giữa góp ý và phê phán là rất gần nhau. Thay vì đem đến bài học kinh nghiệm để giúp họ trưởng thành hơn sau sự việc, thì chúng ta mang lại cho họ sự đau đớn, khó chịu, bức bối. Lời phê phán là một trong những nhân tố có sức hủy hoại khủng khiếp trong cuộc sống. Nó khiến cho chúng ta trở nên tự tin, rụt rè, giảm sút lòng tự trọng, không dám nói hoặc làm những việc tốt cho bản thân và những người xung quanh, rạn nứt những mối quan hệ,… Con người chúng ta không ai thích bị phê phán. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận những lời góp ý chân thành, mang tính xây dựng và tích cực để trưởng thành hơn, chứ không bao giờ muốn chấp nhận những lời chỉ trích hoặc mạt sát. Như vậy thì góp ý cho người khác cũng cần phải học, nếu không khéo nó trở thành phê phán thì khổ.
Ở đây tôi chia sẻ một phương pháp góp ý rất hiệu quả mang tên kỹ thuật “bánh mì kẹp thịt”, gồm 3 bước vô cùng đơn giản:

Bước 1
 (lát bánh mì mặt trên)
: chúng ta chia sẻ 1 điều gì đó mình đánh giá cao ở người kia gần đây, thông qua hành động cụ thể mà mình chứng kiến được, hoặc nghe kể về họ với thông tin chính xác. Việc bạn vào thẳng vấn đề đôi khi sẽ khiến người kia nghĩ rằng bạn đang tấn công họ, phê phán hay kết tội họ, điều này khiến họ tạo một bức tường chắn giữa họ và bạn, và họ không những không tiếp thu những gì bạn nói nữa, mà còn dễ nảy sinh ác cảm với bạn cho dù bạn đang chia sẻ với thành ý tốt đẹp dành cho họ.
Chính vì thế, việc bạn đánh giá cao nỗ lực/ thành quả nào đó của họ gần đây khiến họ mở lòng ra với những lời góp ý của bạn. Một từ rất hay dùng vẫn dùng để chuyển sang bước 2 đó là “Bên cạnh đó”“Ngoài ra”,…
Bước 2
 (lớp đồ ăn kẹp ở giữa):
 đây là lúc bạn chia sẻ ra những điều góp ý hoặc không hài lòng ở họ. Bạn cứ mạnh dạn nói ra những ý kiến của mình, vì ở bước 1 bạn đã “chiếm được” sự sẵng sàng lắng nghe của họ.
Tuy nhiên, chúng ta chú ý đến cách nói gồm 3 thành tố: từ ngữ sử dụng, giọng điệungôn ngữ hình thểsao cho văn minh và phù hợp với tình huống. Bởi có câu rằng “Của cho không bằng cách cho”. Để làm được điều này, chúng ta phải học cách làm chủ cảm xúc của mình trong những tình huống quá căng thẳng, bức xúc,… hoặc tốt nhất không nên góp ý khi chúng ta đang trọng trạng thái quá tiêu cực.
Bước 3
 (lát bánh mì mặt dưới):
 bạn nên khép lại quá trình góp ý này bằng một lời nói tích cực về người kia. Ví dụ có thể lặp lại thành quả của họ trong bước 1; đánh giá cao nỗ lực của họ trong quá trình làm việc; tin tưởng họ sẽ không tiếp diễn hành động này nữa; tha thứ cho họ,… Sau đó, một nụ cười hoặc một cái vỗ vai nhẹ của bạn sẽ khiến người kia cảm thấy họ đang được tin tưởng và kì vọng ở bạn. Chắc chắn họ sẽ nỗ lực để đạt kết quả tốt hơn trong lần sau.

Ngoài ra, để việc góp ý trở nên hiệu quả, đây là 3 nguyên tắc PHẢI NHỚ:


1/ Khi góp ý ở bước 2, bạn lưu ý chỉ tấn công vào hành động của họ, không bao giờ được tấn công vào con người. Mạnh Tử đã nói “Nhân tri sơ tính bổn thiện”, mỗi người chúng ta khi sinh ra đều như nhau, giống như những tờ giấy trắng, có sai hay không là do hành động sai, và hành động sai là do tác động của hoàn cảnh lúc ấy và sự thiếu chín chắn trong suy nghĩ. Hành động sai thì có thể sửa chữa được ngay lập tức, còn con người sai thì “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Do đó, chỉ tấn công vào hành động. Ngoài ra, đây là còn là một yếu tố tâm lý, khi tấn công vào hành động của người kia, tức là bạn đang nói với họ rằng họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn, bởi đó là một lựa chọn của họ. Còn ngược lại thì bạn đang nói với họ rằng họ không thể làm gì được nữa bởi tính cách họ là như vậy rồi. Minh họa sự khác biệt giữa hai câu nói: “Trời ơi, tại sao bạn cho phép mình quên làm điều đó?” với “Bạn là đồ bất cẩn, có việc đó mà cũng quên thì còn làm gì cho ra hồn”


2/ Chỉ ra chính xác, cụ thể sự việc, không thêm bớt thông tin, không làm thái quá vấn đề cũng như không suy diễn theo thành kiến cá nhân. Minh họa hai câu nói: “Buổi sinh hoạt hôm nay chỉ có 10 bạn tham dự, nội dung sinh hoạt được đánh giá tốt, như vậy bạn A cần phải xem lại khâu truyền thông.” với “Buổi sinh hoạt hôm nay số người tham dự quá ít, không thể chấp nhận được. Truyền thông kiểu này thì dẹp đi, buổi sau ai mà thèm đến.”


3/ Hướng đến một suy nghĩ / giải pháp tích cực. Khi phê phán một ai đó, bạn phải luôn suy nghĩ theo hướng tích cực, mang tính xây dựng để giúp người kia trở nên tốt hơn, trưởng thành hơn sau sự việc. Nếu chỉ đơn giản là phê phán để thỏa lòng tức tối của bạn, hoặc a dua theo đám đông hoặc chỉ đơn giản để vui đùa, lên án thì thật ra bạn đang cho phép mình xử sự một cách ích kỉ, chỉ nghĩ để thỏa mãn cho bản thân. Minh họa hai câu nói: “Bài thuyết trình của bạn sẽ hay hơn nếu slide được chỉnh chu, không còn lỗi chính tả nữa.” với “Bài thuyết trình này mà đem ra ngoài người ta sẽ cười cho, nhóm bằng đó con người mà để cái slide đầy lỗi chính tả.”



Hy vọng rằng một số mẹo nho nhỏ như thế giúp được bạn trong những tình huống khó xử: muốn nói mà không biết nói thế nào.

Nguồn: Blog 
Vũ Đức Trí Thể

Comments

Popular posts from this blog

Khoá luyện thi đại học đảm bảo 2012

Ảnh bìa facebook trái tim

Xây dựng lớp date trong C++